Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm, lượng mủ cao su cốm xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 30.000 tấn, giảm 10%; giá trị đạt 59.000 USD, giảm 33% so cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến mặt hàng cao su xuất khẩu giảm mạnh về số lượng và giá trị là do thị trường Trung Quốc trong năm qua đã hạn chế tối đa nhập khẩu mặt hàng này, trong khi 80% sản phẩm cao su của các doanh nghiệp tại Tây Ninh là xuất sang Trung Quốc. Do lượng hàng ứ đọng nhiều ngay tại nhà máy và ngoài cửa khẩu, nên sản phẩm cao su bị các doanh nghiệp nhập khẩu ép giá từ 3.000 USD/tấn (thời điểm tháng 6/2013), đến nay chỉ còn 1.984 USD/tấn.
Tuy giá giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp cũng khó giải phóng hàng do 60% mặt hàng cao su tại đây chỉ sản xuất dạng thô (dạng mủ cốm), chất lượng không đạt yêu cầu để đưa sang thị trường khác như EU, Mỹ, Singapore, Ấn độ... Tính đến giữa tháng 6/2014 trên địa bàn tỉnh còn khoảng 10.000 tấn mủ cao su thành phẩm tồn kho chưa bán được.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 98.170 ha cao su, được bố trí nhiều nhất tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Châu Thành, trong đó diện tích đã cho sản phẩm 76.989 ha, sản lượng 165.372 tấn (quy khô)/năm. Toàn tỉnh cũng có 22 doanh nghiệp, nhà máy mủ cao su với tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn mủ (quy khô)/năm. Do mặt hàng cao su ế ẩm, kinh doanh thua lỗ, đến nay ít nhất đã có 5 nhà máy chế biến cao su trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa, ngừng hoạt động.
Nguồn: TTXVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét